-A

+A

Sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang triển khai Ngày pháp luật tháng 7 năm 2018
(08:15 23/07/2018)
Sở Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức triển khai Luật Quản lý nợ công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài cho tập thể công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan. Tham dự và chủ trì buổi triển khai Luật có bà Trần Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Sở.
Bà Trần Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Sở TT&TT triển khai Luật

 

Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, gồm 10 Chương, 63 Điều, quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. Một trong những điểm thay đổi quan trọng tại Luật này so với trước đây là nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài,… trước đây được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nay được giao về Bộ Tài chính. Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu qả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Quản lý rủi ro đối với nợ công, Luật cũng lần đầu quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm vủa các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ta. Trong đó, hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong 5 năm, hạn mức bảo lãnh và cho vay lại hàng năm được quy định chi tiết. So với Luật hiện hành, điều kiện được bảo lãnh Chính phủ được siết chặt đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương cũng được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tinh chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, gồm 10 chương và 163 điều. Luật lần này đã bổ sung phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, gồm: Phương án phục hồi, Sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, Chuyển giao bắt buộc... Điểm đáng chú ý nhất của Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) là lần đầu tiên đưa quy định về phá sản ngân hàng vào luật. Cụ thể, việc phá sản sẽ áp dụng đối với các tổ chức tín dụng đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, không có khả năng phục hồi theo các phương án tái cơ cấu khác.

Tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp như: Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất, Hai năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định của Luật trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.

Về phương án tái cơ cấu, có thể là một trong 5 phương án sau: Phương án phục hồi, Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, Phương án giải thể, Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản.

Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương và phương án phá sản tổ chức tín dụng, trong đó phải đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn chung của hệ thống, Đồng thời, phải lên phương án chi trả tiền gửi cho các khách hàng là cá nhân.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 và bãi bỏ khoản 10 Điều 8; sửa đổi, bổ sung các khoản 4, 5, 7, 8, 13 và 15 Điều 8 như sau: Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.

Cấp, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp, thu hồi, hủy bỏ giấy miễn thị thực của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.

Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu của nước ngoài và chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật. Thực hiện ủy thác tư pháp phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phòng dịch, kiểm dịch động vật, thực vật phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Luật cũng bổ sung Khoản 1a vào sau Khoản 1 Điều 10. Cụ thể: Thống nhất quản lý hoạt động thông tin đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan đề xuất, triển khai hoạt động thông tin đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

image004.jpg (15)

Sinh hoạt định kỳ Công đoàn

Sau buổi triển khai Luật, Chủ tịch Công đoàn Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì sinh hoạt định kỳ tháng 7, triển khai các văn bản của Công đoàn cấp trên, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị của công đoàn viên đơn vị./.